Startup công nghệ Việt Nam đang thiếu điều gì?
Thiếu kinh nghiệm thực tế cá nhân và kinh nghiệm thực tế được chia sẻ từ người đi trước
Thiếu nền tảng kiến thức vững chắc
Không một cây cổ thụ nào có thể đứng vững sau bão lớn mà không có một bộ gốc rễ chắc chắn. Không một người thành tài nào lại có thể hiên ngang tự vỗ ngực nói rằng, tôi không cần học gì cả. Có nhiều quan niệm cứ tưởng là hiện đại, cổ xúy cho việc không cần học đại học mà hãy đi làm, trải nghiệm cuộc sống. Điều đó lúc đầu tưởng chừng là đúng, hợp lý, nhưng nếu trong ngành CNTT, bạn là một lập trình viên mới toanh, bạn áp dụng theo quan niệm đó, bạn sẽ sớm hối hận.
Tất cả mọi việc đều được dựa trên kiến thức nền mà bạn học được, bạn có được từ hệ thống giáo dục, từ những mối quan hệ xung quanh. Phải học và luôn giữ lửa cho việc học. Đặc biệt, kiến thức càng căn bản, càng phải học cho kỹ. Những thứ tưởng chừng phức tạp thì thường được giải quyết bằng cách giản đơn nhất. Khi học lập trình, đừng vì quá nóng vội mà vô tình tạo ra lỗ hổng kiến thức của mình.
Việc ngừng học hoặc nghỉ ngang có thể giúp bạn tiến nhanh vài năm vì đi làm để có thêm kinh nghiệm mới mẻ, nhưng nếu bạn thực sự muốn đi xa hơn nữa, phát triển sự nghiệp và kiến thức của mình lên tầm cao mới, bạn cần phải học. Đừng bao giờ quên điều đó.
Note: 7 tỷ người mới có một Mark Zuckerberg hay Steve Jobs, nếu bạn chắc chắn rằng bạn bỏ học mà có thể trở thành một người như vậy thì hãy làm, còn không thì không khuyến khích nhé!
Thiếu sự tò mò, quan sát và học hỏi từ những điều rất nhỏ xung quanh
Ngoài việc học lý thuyết, học hỏi từ các mô hình xung quanh, từ cuộc sống, từ đối thủ, từ bạn bè,… luôn được khuyến khích. Hãy giải phóng trí tò mò của bạn đến tất cả những thứ hay ho, luôn đặt ra câu hỏi “tại sao” trong nhiều việc. Tại sao Line lại không thể hiện những chức năng như gọi cho nhau miễn phí ra bên ngoài để dễ dùng như Viber, tại sao Facebook lại cho ra đời tính năng Nearby, tại sao những phím bấm ngoài của điện thoại Samsung (phím Back, phím Home, phím Setting) lại ngược với điện thoại Sony,…?
Sau khi đặt câu hỏi, hãy cố tìm các câu trả lời hợp lý xung quanh vấn đề đó. Thời nay với sự trợ giúp của Google, phần nào bạn cũng sẽ bắt gặp có những người tò mò giống mình. Và cả những người đã từng suy nghĩ về nó, tìm một câu trả lời thỏa đáng và chia sẻ mọi người nữa. Ngại hỏi, ngại đưa ra ý kiến chủ quan, ngại tìm hiểu đến nơi đến chốn sẽ kiềm hãm suy nghĩ và sức sáng tạo của bạn.
Thiếu sự sáng tạo và linh hoạt tuy nhanh nhạy trong việc sao chép
Mua hàng theo nhóm làm dễ không? Dễ quá đi chứ, có gần 200 websites làm y chang Groupon, hoặc thi thoảng có sự đột phá một chút thì bắt chước LivingSocial. Vận hành mua hàng theo nhóm làm dễ không? Cũng dễ, chỉ cần “trà trộn” vào công ty lớn đã vận hành nó rồi, học lóm vài ba chiêu, vài ba quy trình, vài ba công thức tính toán vận hành, đo lường,… vậy là xong. À à, ở cái này thì chắc sẽ không phải “vậy là xong” mà là “vậy là tiêu”.
“Tiêu” là vì, chính những suy nghĩ giản đơn như vậy mà không lường trước được hậu quả của việc vận hành sản phẩm này. Bởi lẽ, suy cho cùng, những người đi sau chỉ sao chép một cách máy móc mà không dành thời gian để nghiên cứu chiều sâu, đặt câu hỏi tại sao, tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định làm thì chắc chắn 100%, sản phẩm sẽ chết trong thời gian sớm nhất.
Thay cho khái niệm CLONE, tôi thích được dùng từ INSPIRED BY hơn. Lấy cảm hứng từ mô hình sản phẩm quốc tế, sau đó, dành ra thời gian để nghiên cứu sao cho phù hợp với thị trường trong nước. Khi thực sự hiểu rõ mục đích cuối cùng của sản phẩm đó sẽ mang đến lợi ích gì cho người sử dụng – người sở hữu sản phẩm và thị trường, lúc đó mới bắt tay vào làm. Từ giai đoạn đó, khi xây dựng sản phẩm có mục đích rõ ràng, các Startup công nghệ sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và cả sự lo lắng bất an trong lòng khi không biết sản phẩm mình làm ra có được người dùng ủng hộ sử dụng không.
Thiếu kinh nghiệm thực tế cá nhân và kinh nghiệm thực tế được chia sẻ từ người đi trước
Hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành công nghệ Việt Nam vẫn còn non trẻ và thiếu nhiều mắt xích. Trong đó, kinh nghiệm thực tế được chia sẻ từ người đi trước vẫn luôn là ẩn số to lớn mà các startup hiện nay đang rất mong muốn được tìm hiểu và giải đáp. Làn sóng khởi nghiệp ngành công nghệ đã từng trải qua hai cơn sóng nhẹ vào khoảng năm 2002 – 2004 và 2007 – 2009, với nhiều thành công và thất bại cay đắng được ghi nhận lại. Thế nhưng, để tìm lại những người cũ kể chuyện xưa, nói lại về bài học đắt giá của mình thì không phải là việc dễ dàng.
Ngoài ra, các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay thường “tay ngang” vào nghề, ít có trải nghiệm sâu sắc từ trong ngành và chưa thực sự hiểu về lĩnh vực công nghệ và kinh doanh trong lĩnh vực này như thế nào. Nếu có thể, hãy đầu quân về một công ty nào đó làm trong 2 – 3 năm để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu nghĩ đến việc khởi nghiệp.
Leave a Reply