Những điều bí mật về một thương hiệu nổi tiếng

Nhà máy nào có đủ điều kiện vật chất đáp ứng được tiêu chuẩn thì sẽ được sản xuất sản phẩm Vinataba.

20 năm đã qua. Dù đã được nghỉ ngơi trong một ngôi nhà đẹp và yên tĩnh phía cuối một ngõ nhỏ tại Sài Gòn, nhưng ông Lê Đình Thụy chưa bao giờ quên, dù là chi tiết nhỏ, khi nền kinh tế vừa thoát khỏi cơ chế bao cấp, các xí nghiệp quốc doanh bắt đầu được đón luồng gió mới nhờ chính sách đổi mới của Đảng.

Khó khăn bộn bề và những người lãnh đạo khi đó đang phải ngày đêm suy nghĩ làm gì để bứt ra khỏi cái lối tư duy cố hữu đã hằn sâu. Ông càng không thể quên cái ngày đầu tiên ông tiếp nhận chức vụ Tổng giám đốc Liên hiệp các Xí nghiệp Thuốc lá Việt Nam.

Vẫn giữ chất giọng Huế nhẹ nhàng, pha một chút chất Bắc (ông Thụy là dân Huế ra tập kết đã lâu), ông kể lại câu chuyện về Vinataba từ những ngày đang mới phôi thai ý tưởng. Ông kể chầm chậm, thỉnh thoảng ngừng lại như để người nghe cảm nhận được đầy đủ cái khó thời đó: khi ông đi chiếc xe Lada lên nhận quyết định 108/HDBT-QĐ về việc thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Thuốc lá Việt Nam (tiền thân của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam sau này).

Ông nhớ rất rõ đó là ngày 5/4/1985. Quyết định này rất quan trọng đối với ngành thuốc lá bởi vì lần đầu tiên Việt Nam sẽ thống nhất tổ chức ngành, tập trung đầu mối quản lý thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất thuốc lá của Nhà nước.

Ông Thụy trở thành người lãnh đạo đầu tiên của tổ chức thống nhất này. Vì là lần đầu tiên thay đổi theo một mô hình quản lý hoàn toàn mới, nên chẳng có bài học nào ông có thể học từ các tổ chức khác, ngoài việc phải tự mò mẫm tìm ra con đường phát triển cho ngành.

Ông đã bàn với các cộng sự, khi đó là ông Nguyên Văn Gia (Phó Tổng giám đốc – Sau này là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty – nay đã nghỉ hưu) và đội ngũ cán bộ tham mưu trẻ được tuyển chọn từ Trường Đại học Kinh tế và các cơ quan khác từ 2-3 năm trước khi thành lập liên hiệp, đó là ông Nguyễn Thái Sinh, nay là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinataba); ông Nguyễn Nam Hải (nguyên là TGĐ Vinataba trước khi được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công Thương), ông Lê Tuấn, ông Trần Quang Chữ… đặt ra mục tiêu phải làm thế nào cho ra đời một sản phẩm thật đặc biệt để chiếm lĩnh được thị trường.

Công việc này phải tiến hành song song với việc tổ chức sắp xếp, đổi mới phương thức quản lý, đầu tư trang thiết bị và công nghệ, xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu. Nhưng làm thế nào để sản xuất được loại thuốc lá đó trong khi máy móc lạc hậu, vùng nguyên liệu yếu kém và hơn hết thói quen người tiêu dùng đã như dây cáp bện chặt suốt nhiều năm qua. Ban lãnh đạo khi đó còn tính xa hơn nữa, làm thế nào để phát triển loại thuốc lá này thành chủ lực của doanh nghiệp trong tương lai.

Với câu hỏi, bằng cách nào để cho ra được một sản phẩm chất lượng cao trong khi nguyên liệu trong nước chất lượng còn chưa tốt? Ông đã chọn hướng đi tắt, đó là liên doanh với các công ty nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội vào Việt Nam đầu tư.

Cuộc đàm phán với một đối tác Hàn Quốc để liên doanh sản xuất các loại thuốc lá cao cấp không thành. Ông đã bàn với các đồng nghiệp: phải tự sản xuất ra loại thuốc lá cao cấp có hương vị được ưa chuộng như thuốc lá ngoại nhập đang có trên thị trường. Và ông đã biết chớp lấy cơ hội.

Trong cuộc tiếp xúc với một đối tác Singapore, ông đã có ý tưởng phải hợp tác với đối tác này để làm ra một sản phẩm có chất lượng vì đây chính là công ty con của Tập đoàn BAT (British American Tobacco). Cùng các cộng sự, ông Thụy lên đường sang Singapore. Tại Nhà máy của Singapore Tobacco Company – STC, hay còn gọi là BAT Singapore, ông cùng ông Tư Nghị (ông Phan Văn Nghị – Giám đốc Nhà máy thuốc lá Sài Gòn khi đó) cùng một số chuyên gia của STC đã cùng nhau thử phối chế ra sợi (chính là loại sợi đang sản xuất Vinataba hiện nay và đặt tên là sợi VT).

Những bao thuốc đầu tiên sản xuất từ sợi VT ra đời và được lấy tên là “Super” – Super được thiết kế với vỏ bao màu trắng , với chữ màu đỏ trông lịch sự và sang trọng. Sự đột phá về hình thức này bắt nguồn từ mong muốn tạo nên sự khác biệt với các sản phẩm thuốc lá truyền thống đã có trước đó của Việt Nam như: Sai gon, Mai, Đalat, Thăng Long, Thủ Đô, Điên Biên, Tam Đảo, Sông Cầu,…

Tuy nhiên, thị hiếu của người tiêu dùng không dễ dàng bị chinh phục. Super đã không đón nhận được những phản ứng tích cực của thị trường. Sau khi xuất xưởng được vài chục nghìn gói, Ban lãnh đạo liên hiệp buộc phải tính đến phương án thay thế thương hiệu.

Trăn trở cho một thương hiệu mới, ông Thụy loay hoay tìm cách vẽ logo (khi đó, ở Việt Nam các doanh nghiệp chỉ mới dừng lại ở tên thương hiệu, chứ ít doanh nghiệp sử dụng logo cho biểu tượng của sản phẩm). Ông ngồi vẽ đủ các loại logo khác nhau. Sau bao đêm tìm tòi, cuối cùng ông đã có ý tưởng.

Từ hình một chiếc lá thuốc lá cách điệu ông viết vào dưới đó một chữ V (mà sau này nhiều người bảo đó là chữ Victory hay chữ đầu của Vinataba) nhưng theo ông giải thích thì lúc đó ông nghĩ đến hình tượng người đàn ông ngậm tẩu hút thuốc. Còn tên sản phẩm? một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu: “Tại sao mình không dùng ngay tên giao dịch đối ngoại của liên hiệp? Vinataba? Nghe cũng hay lại dễ đọc, dễ gọi, còn màu vỏ bao? màu trắng chữ đỏ của “SUPER” đã thất bại.

Ông chợt nghĩ, đúng rồi! Người Việt Nam vốn thích màu vàng, màu của sự may mắn, thịnh vượng, màu đỏ tên thương hiệu trên nền màu vàng nhũ thật là hợp. Còn kiểu chữ? với nguyên lý phải tạo sự “khác biệt” ông đã loay hoay tìm kiểu chữ cho thương hiệu. phải chọn kiểu chữ nào để không “đụng hàng”?. Nghĩ là làm, ông Thụy đã gọi anh Khôi (họa sĩ của Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn khi đó) bắt tay vào việc vẽ logo và thiết kế bao bì sản phẩm. Màu vàng được chọn cho vỏ bao, logo và chữ được thiết kế màu đỏ.

Điểm nhấn cho bao bì chính là logo. Bốn chữ Vinataba được thiết kế riêng vừa chặt chẽ về bố cục, vừa mềm mại, uyển chuyển mà không dễ gì tìm thấy trong các font chữ hiện thời. Đặc biệt, mỗi khi gọi tên, thương hiệu này tạo ra một điệp khúc (các âm a) rất vui tai và dễ nhớ, quan trọng hơn, nó thể hiện được cái chất Việt, thuần Việt trong sản phẩm. Ông nói và cười vui vẻ đầy vẻ tự hào..

Khi những gói Vinataba đầu tiên được tung ra thị trường. Ông Thụy và Ban giám đốc hồi hộp đón nhận những tín hiệu đầu tiên. Và ông đã thở phào nhẹ nhõm khi những gói Vinataba sản xuất tại Nhà máy thuốc lá Sài Gòn được vận chuyển ra Bắc đã bán rất chạy.

Không ai ngờ được Vinataba tạo ra một luồng gió mới cho ngành sản xuất thuốc lá trong nước. Sản phẩm này chiếm lĩnh tình yêu của người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh với các nhãn thuốc lá cao cấp khác và đặc biệt đóng một phần vai trò quan trọng là đẩy lùi thuốc lá ngoại nhập lậu. Mức sản xuất thuốc lá Vinataba khiến những người trong ngành thuốc lá phải giật mình. Ban đầu từ “chạy thử” vài chục ngàn gói/tháng, giờ đã tiêu thụ được đến hơn 40 triệu gói/tháng. Sản phẩm Vinataba chiếm 10% thị phần thuốc lá Việt Nam trong tổng số hơn 200 nhãn hiệu thuốc lá đang bán trên thị trường. Vinataba đã thành mặt hàng chủ lực của tổng công ty và đóng góp tới 50% tổng mức nộp ngân sách của toàn tổ hợp.

Ông Thụy bồi hồi nhớ lại. Khi đó, Cố Bộ trưởng Vũ Tuân có hỏi ông “Chú đem tên Liên hiệp đặt tên cho sản phẩm như vậy mà không sợ à? Nhỡ nó thất bại thì cái danh của Liên hiệp đi luôn đó!” Bằng sự tự tin, ông Thụy trả lời: “Chúng tôi đã suy nghĩ rồi, đây là đòn quyết định thể hiện sự quyết tâm cao của toàn thể CBCNV Liên hiệp.

Chúng tôi cho ra đời sản phẩm này và tin là sẽ thành công, bởi lẽ những người công nhân đứng máy, những anh em làm công tác thị trường tiêu thụ và chúng tôi những nhà quản lý sẽ phải đặt quyết tâm cao nhất cho việc sản xuất, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm để giữ cho chính cái danh của mình, cho cuộc sống của bản thân và gia đình và vì sự phát triển của Liên hiệp”.

Ông Thụy ngồi nhớ lại và nhẩm tính từ khi ông rời nhiệm sở tổng công ty lên làm trợ lý cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Đặng Vũ Chư thấm thoát đã hơn 15 năm (kể từ tháng 5 năm 1994), ông bàn giao việc điều hành cho một thế hệ lãnh đạo mới, nay họ đã trưởng thành và thực sự làm rạng rỡ thương hiệu vinataba trong những năm qua.

Chính là sản phẩm Vinataba đã tạo nên thương hiệu cho tổng công ty. Và chẳng có gì ngạc nhiên khi cũng chính Vinataba đã chấp cánh nâng cao năng lực canh tranh của tổng công ty mạnh hơn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhìn lại quãng thời gian 20 năm đối với sản phẩm Vinataba, không phải không có những lúc thăng trầm và có những lúc tưởng như thất bại. Do là sản phẩm thương hiệu chung và để giúp các đơn vị có điều kiện phát triển, tổng công ty đã giao cho 5 nhà máy sản xuất thuốc điếu lúc đó đều được sản xuất Vinataba.

Người ta ví như “5 anh em trên một chiến xa Vinataba”. Nhưng do “cái nết ở ăn mỗi người mỗi khác” nên ai cũng muốn lái “chiến xa” theo hướng có lợi cho mình mà chưa quan tâm đúng mức đến lợi ích chung. Điều kiện sản xuất của các nhà máy lúc đó không được như nhau, đơn vị sản xuất lại tự tiêu thụ.

Thế là tự bản thân thị trường đã phân khúc và tạo sự tranh đua giữa những “chiến xa” này. Đã có lúc người tiêu dùng phân biệt nào là ‘Vi Sài” (Vinataba do Nhà máy thuốc lá Sài Gòn sản xuất), nào là “Vi Thăng” (do Nhà máy thuốc lá Thăng Long sản xuất), rồi “Vi Sài” và “Vi Tổng”… các đại lý đua nhau thêu dệt nên những chi tiết khác nhau của từng sản phẩm để thu thêm những khoản lợi nhuận không phải bằng chính chất lượng của sản phẩm đem lại.

Trước tình hình đó, lãnh đạo tổng công ty đã có một quyết định sáng suốt là tổ chức lại sản xuất và phân phối sản phẩm Vinataba trong toàn tổng công ty. Nhà máy nào có đủ điều kiện vật chất đáp ứng được tiêu chuẩn thì sẽ được sản xuất sản phẩm Vinataba.

Chất lượng sản phẩm được quản lý chặt chẽ từ vật tư, nguyên liệu đầu vào, đến qui trình sản xuất dưới sự giám sát chặt chẽ của một ban chuyên môn và tập trung về một đầu mối tiêu thụ, trước giao cho Công ty XNK thuốc lá, sau đó chuyển giao về cho Công ty Thương mại thuốc lá (từ năm 1999 đến nay).

Bây giờ, người đặt tên cho sản phẩm nổi tiếng này đang có những khoảng thời gian hạnh phúc với những năm tháng của tuổi nghỉ ngơi. Bằng giọng xúc động, ông rơm rớm nước mắt trả lời khi được hỏi: “Ông cảm thấy thế nào khi được gọi là người đặt tên cho một – Vinataba”?

“Tôi thực sự vui mừng và hạnh phúc khi 20 năm nhìn lại được chứng kiến những thành quả được xây dựng từ những ý tưởng trong lúc khó khăn. Ông bà ta có câu “Cha sinh không bằng mẹ dưỡng” Nếu lớp chúng tôi được coi là những người tạo dựng ra thương hiệu thì những gì thành công sau 20 năm của thương hiệu này hôm nay là do lớp lãnh đạo kế tiếp và những người lãnh đạo sau này mà chúng tôi có quyền tự hào về họ”.

Trong dịp tiếp một nhà báo Mỹ, ông Thụy có bầy tỏ: Khi Mỹ bỏ cấm vận, ngành thuốc lá Việt Nam sẽ có cơ hội học hỏi được nhiều từ ngành thuốc lá của Mỹ và thế giới” và “nếu có cơ hội chúng tôi sẽ bán thuốc lá Vinataba tại Mỹ”

Ước muốn đó của ông nay đã được các thế hệ lãnh đạo kế tiếp thực hiện khi Việt Nam chính thức là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, giờ thì họ không chỉ nghĩ đến việc phát triển thị trường trong nước mà còn đang tính một chiến lược, một tầm nhìn mới đưa Vinataba trở thành một nhãn hiệu quốc tế .

20 năm, với cuộc đời của một con người có thể coi là dài. 20 năm với cuộc đời của một nhãn hiệu thì không phải là quá ngắn. Nhưng ông Thụy tin rằng, chừng nào người Việt còn yêu thích Vinataba thì chừng đó Vinataba còn có những cơ hội phát triển mới.

Related posts:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *